Kinh tế ban đêm đang chuyển biến tích cực (*): Khuyến khích nhiều thành phần tham gia

31/03/2023 12:00

Các địa phương cần có cơ chế đặc thù để những hoạt động kinh doanh về đêm phát triển mạnh

Hằng năm, dù số lượng du khách đến TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đều tăng so với kế hoạch đề ra nhưng thực tế, thời gian lưu trú của họ ngắn và mức chi tiêu còn khá thấp. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ việc địa phương thiếu sản phẩm vào ban đêm để du khách có thể ở lại, chi tiêu và trải nghiệm.

Chưa gắn được vào sản phẩm du lịch đêm

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, thừa nhận hoạt động kinh tế về đêm trên địa bàn lâu nay mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư, quy hoạch, quản lý của nhà nước; quy mô, tổ chức mang tính chất nhỏ lẻ, chưa trở thành khu vực kinh tế ban đêm đúng nghĩa.

Những điểm vui chơi về đêm hiện nay ở Hội An đa phần nằm trong vùng lõi khu phố cổ, dân cư đông nên chính quyền chỉ cho hoạt động tới hơn 23 giờ. "Hiện nay, Hội An có khu kinh tế ban đêm của Tập đoàn Đạt Phương ở Cồn Tiến nhưng đang trong quá trình xây dựng nên chưa có nhiều sản phẩm" - ông Sơn cho biết.

Thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước nhưng hoạt động kinh tế ban đêm của địa phương này vẫn chưa phát triển. Du khách đến Nha Trang chỉ có thể ghé chợ đêm Yến Sào ở khu vực quảng trường, thưởng thức các tiết mục biểu diễn ca nhạc vào cuối tuần.

Kinh tế ban đêm đang chuyển biến tích cực (*): Khuyến khích nhiều thành phần tham gia - Ảnh 1.

Khách đến tham quan Hội An đông nhưng vì nơi đây ít có hoạt động về đêm nên họ thường ra Đà Nẵng lưu trú Ảnh: SƠN CA

Các dịch vụ về đêm ở Nha Trang chủ yếu là ẩm thực. Quán bar ở đây còn rất khiêm tốn, vũ trường chỉ đếm trên đầu ngón tay và tập trung ở đường Trần Phú. Trong khi đó, dịch vụ tham quan du lịch đêm rất hạn chế, chỉ có 1 tour đường thủy ngắm cảnh, thưởng thức âm nhạc, ăn uống… trên du thuyền. Tour tham quan thành phố, ngắm cảnh dọc đường biển bằng xích lô chỉ được khai thác đến 22 giờ.

Ngay tại TP HCM - trung tâm du lịch, kinh tế lớn nhất nước, nhiều công ty du lịch cho biết trong lịch trình đưa khách tham quan thành phố, gần như không có tour tuyến nào diễn ra ban đêm. Các công ty chủ yếu chỉ "chia sẻ hoặc gợi ý" để khách tự do khám phá vào buổi tối, còn lịch trình tour hầu hết tập trung ban ngày. Trong khi đó, các sản phẩm du lịch từ sau 18 giờ - thường dễ "móc hầu bao" của du khách hơn - lại đang thiếu vắng.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Golden T Travel, nhấn mạnh kinh tế ban đêm của Việt Nam hiện mới chỉ tận dụng được những cái sẵn có, chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể để phát triển, các sản phẩm chưa có khác biệt rõ rệt. Ví dụ, TP HCM có 2 địa điểm vui chơi nổi tiếng về đêm đều ở quận 1, gồm phố đi bộ Nguyễn Huệ - Công viên Bạch Đằng và phố đi bộ Bùi Viện. Thế nhưng, mô hình phố đi bộ và ẩm thực ở đây không mới, không có điểm nhấn nổi bật để du khách muốn trở lại.

Đa dạng sản phẩm, dịch vụ

Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho rằng để tạo nên bức tranh tổng thể nền kinh tế ban đêm, các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ một cách đồng bộ. Cần khai thác tối đa khoảng thời gian từ lúc khách bước chân ra khỏi khách sạn, đi đâu, làm gì, chơi gì, trải nghiệm gì… đến khi quay về để ngủ.

Riêng TP HCM, theo ông Bình, thành phố cần xây dựng, ban hành chiến lược tổng thể cùng các kế hoạch trung hạn, hằng năm đối với loại hình kinh tế ban đêm. TP HCM cần có những sản phẩm, dịch vụ thật sự hấp dẫn để "khi đến thành phố không ngủ thì khách cũng sẽ không ngủ".

Ngoài ra, TP HCM cần có cơ chế đặc thù cho các hoạt động kinh doanh về đêm. Giai đoạn trước mắt, có thể khuyến khích địa phương, DN, cộng đồng tham gia thông qua các cơ chế, chính sách, đặc biệt về thuế, thu hút lao động hoạt động về đêm…

Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính. Điều cần thiết là xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp và nới lỏng hơn để khuyến khích các hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa, DN quy mô lớn tham gia đầu tư phát triển kinh tế ban đêm. Đồng thời, tập trung nhiều vào cơ chế quản lý cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng nền tảng cho kinh tế ban đêm.

Bên cạnh đó, khung pháp lý cần bảo đảm tính khoa học, phù hợp từng đối tượng, phù hợp tín ngưỡng, văn hóa; bảo đảm tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch mang lại với những mặt trái tiềm ẩn.

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, cần điều chỉnh hoặc bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng đô thị phân khu đặc biệt "kinh tế ban đêm" - khá biệt lập với các khu dân cư tập trung, nơi tổ chức cung cấp các dịch vụ được xem là "nhạy cảm" hoặc âm thanh, ánh sáng có khả năng ảnh hưởng cuộc sống về đêm của cộng đồng. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, cần tham khảo ý kiến cộng đồng để có thể có điều chỉnh phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng cuộc sống của người dân địa phương.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, gợi ý khi phát triển kinh tế ban đêm, TP HCM có thể chọn một số nét văn hóa đặc sắc vùng miền để giới thiệu tới du khách, mời các địa phương cùng quảng bá thông qua đẩy mạnh liên kết vùng.

"Muốn vậy, cần có "nhạc trưởng" kết nối và quy hoạch đồng bộ, như khách lưu trú ở quận 3 muốn đến quận 1 hoặc quận 5 sẽ đi như thế nào về đêm, phương tiện gì? Ngoài vui chơi, ăn uống, du khách còn cần hoạt động nghệ thuật, mua sắm sau khi thưởng thức ẩm thực. Phải có chiều sâu, đa ngành thì mới có thể gọi là kinh tế ban đêm, còn hiện tại vẫn dừng ở những phố đi bộ, ẩm thực về đêm, chưa bứt phá đúng tầm" - bà Hoàng nhận xét. 

Tập trung xây dựng đề án kinh tế ban đêm

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa, đầu tháng 3-2023, đơn vị tư vấn Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương này đến năm 2030 đã có buổi làm việc, trình bày cho sở - ngành tham khảo, góp ý về địa điểm tổ chức - khu vực bãi biển Nha Trang, Bãi Dài Cam Ranh với các tuyến phố đi bộ và chợ đêm, khu giải trí, ẩm thực, mua sắm, nghệ thuật đường phố...

Theo đề án này, giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung hoàn thành định hướng, mô hình phát triển kinh tế ban đêm. Khánh Hòa sẽ tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế ban đêm; trong đó xây dựng một số khu tổ hợp vui chơi, giải trí riêng biệt, tách biệt khu dân cư với quy mô lớn.

Tại TP HCM, ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết quận đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quận 1 cũng tiếp tục nghiên cứu, dự kiến triển khai những sản phẩm du lịch về đêm mang tính đặc thù, truyền thống của địa phương, như: Giải Chạy đêm quận 1 - Distrist 1 Run Midnight; các lễ hội tại đền, đình...

"Việc phát triển ngành kinh tế ban đêm cần được quy hoạch dài hạn và đầu tư bài bản; các sản phẩm cần đa dạng và tiện ích cao. Ngoài ra, cần có những nhà quản lý chuyên nghiệp và các DN dịch vụ hoạt động về đêm" - ông An đề xuất.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-3

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế ban đêm đang chuyển biến tích cực (*): Khuyến khích nhiều thành phần tham gia" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về email infoketnoidautu@gmail.com