Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói về “giải phóng” tiềm năng nông sản

05/03/2024 12:01

Với những kết quả tích cực trong 2 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT định hướng tiếp tục tổ chức tái cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững, giảm phát thải.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam ghi nhận xuất siêu 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ.

Trước những tín hiệu tích cực của toàn ngành, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, kết quả trên không chỉ là sự cố gắng của ngành nông nghiệp trong 2 tháng đầu năm mà còn là cả quá trình tái cơ cấu toàn ngành, chuyển dần sản xuất gắn với thị trường. “Đây là tín hiệu rất vui mừng để chúng ta có tiền đề chuẩn bị cho việc về đích 54-55 tỷ USD trong năm 2024”, ông Tiến nói.

Xu hướng thị trường - Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói về “giải phóng” tiềm năng nông sản

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (Ảnh: Vân Anh).

Cụ thể, tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều tăng, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD, tăng 59%; cà phê đạt 1,38 tỷ USD, tăng 85%; rau quả đạt 970 triệu USD, tăng 72,8%; gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; hạt điều đạt 595 triệu USD, tăng 68,2%; tôm đạt 403 triệu USD, tăng 20,5%. 

Về rau quả nói riêng, ông Tiến chia sẻ, toàn ngành đã đạt được những kết quả bước đầu, xấp xỉ 1 tỷ USD. Thứ trưởng Tiến khẳng định, năm nay ngành rau quả sẽ hoàn thành được mục tiêu trên 5 tỷ USD. Tương tự, với sản lượng trên 8 tỷ tấn gạo xuất khẩu, đại diện Bộ NN&PTNT cũng tự tin rằng xuất khẩu gạo sẽ hoàn thành mục tiêu trên 4,7 tỷ USD trong năm 2024. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung gạo cho các kế hoạch xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2024, duy trì diện tích canh tác lúa ở mức 7,1 triệu ha với sản lượng 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Về thị trường, 2 tháng đầu năm 2024, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỉ trọng là 21,5%; Trung Quốc chiếm 21% và Nhật Bản chiếm 7,2%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: “Có thể thấy, những năm trước đây, Trung Quốc chiếm tỉ trọng xuất khẩu rất cao nhưng giờ lại đứng sau thị trường Mỹ. Qua đó để thấy, chất lượng nông sản Việt Nam đã được nâng cao bởi Mỹ và châu Âu là những thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khắt khe”. 

Song song với đó, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với nhiều điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam như như dân số đông, vị trí địa lý thuận lợi,... “Nếu được khơi thông liên tục với các giải pháp như cửa khẩu thông minh về đường sắt, đường bộ thì tiềm năng, lợi thế của nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ còn vượt cao hơn”, ông Tiến nói.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp đang chuẩn bị cho việc ký kết Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu dừa, sầu riêng đông lạnh, thủy sản… đây là những ngành hàng tiềm năng rất to lớn. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ thêm rằng: “Hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có nông sản Việt Nam nhưng thương hiệu, quy mô và tỉ suất hàng hóa chưa đáp ứng được những tiềm năng, lợi thế hiện có, chưa khai thông được thị trường. Đã có kết quả tích cực nhưng để "giải phóng" tiềm năng nông sản, vẫn cần phải dành nhiều nỗ lực, cố gắng hơn nữa”.

Dù có nhiều tiềm năng nhưng nông sản Việt Nam vẫn gặp phải một số rào cản, hạn chế, cần tổ chức sản xuất tái cơ cấu theo hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Về những kế hoạch trong thời gian tới, các khu vực, quốc gia trên thế giới đều có bảo hộ sản xuất trong nước, để thấy việc cập nhật yêu cầu của từng thị trường đều rất quan trọng. Những cập nhật đó là tiền đề để ngành nông nghiệp tái cơ cấu sản xuất, đáp ứng được tín hiệu của các thị trường.

Bên cạnh đó, vị này cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ngành nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thương hiệu chưa được xây dựng, chuỗi ngành hàng, giá trị chưa được kết cấu chặt chẽ, chưa bền vững…  Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực chỉ đạo tổ chức tái cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, với căn cốt là nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh.

Bạn đang đọc bài viết "Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói về “giải phóng” tiềm năng nông sản" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về email infoketnoidautu@gmail.com