Người dân được mùa khai thác rong biển ở Ninh Thuận

21/02/2024 20:07

Từ sớm, người dân ven biển ở Ninh Thuận ra các bãi rạn san hô vớt “lộc biển" từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ.

Theo Vietnamplus, những ngày này, ngư dân các địa phương ven biển thuộc huyện Ninh Hải, Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận đang bước vào mùa khai thác rong mơ, rong xanh.

Lượng rong thu hoạch dồi dào lại bán được giá khá cao giúp ngư dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ thu hái “lộc biển” sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Nhiều ngư dân ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) cũng đang tranh thủ vớt rong xanh ở các rạn và rong theo sóng đánh vào bờ biển thôn Từ Thiện, Vĩnh Trường.

Theo chia sẻ của ngư dân, sản phẩm rong mơ được thương lái thu mua đưa về các nhà máy để biến thực phẩm, nước giải khát; rong xanh được đưa đến các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, phân bón... Lượng rong vớt được nhiều cùng với giá bán cao giúp ngư dân địa phương có thu nhập đáng kể để trang trải cho sinh hoạt sau Tết Nguyên đán.

Xu hướng thị trường - Người dân được mùa khai thác rong biển ở Ninh Thuận

Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành rong biển. Ảnh minh họa từ internet 

Bên cạnh các loại rong xanh, rong mơ người dân còn thu được rong câu chân vịt... tại các vùng biển dọc các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná (huyện Thuận Nam), xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải).

Ngoài việc mang lại nguồn thu nhập cho ngư dân, vẻ đẹp của cánh đồng rong biển thôn Từ Thiện đang trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách, nhất là các bạn trẻ đến chụp ảnh, trải nghiệm.

Khi nước triều rút, màu xanh mướt của rong biển trải dài trên nền rạn san hô rộng hơn 500 mét, dài khoảng 4km dọc theo bãi rạn khiến du khách không khỏi choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Thời điểm đẹp nhất để tận hưởng khoảnh khắc này là lúc bình minh lên và khi hoàng hôn buông xuống.

Hiện nay, chính quyền các địa phương ven biển tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để bà con ngư dân khai thác hợp lý, đảm bảo sinh kế, bảo vệ môi trường biển trong sạch, giảm thiểu tác hại đến môi trường sống của sinh vật biển để duy trì nguồn lợi bền vững.

Phát triển ngành hàng rong biển

Thông tin từ cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, theo Tổng Cục thủy sản, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên biển. Diện tích trồng rong biển tiềm năng là 900 nghìn ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, cả nước chỉ khai thác được 10.150ha trồng rong biển. Một số doanh nghiệp lớn đã tham gia sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến rong biển. Do đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành này.

Bên cạnh tiềm năng lợi thế, ngành hàng rong biển cũng đang đối mặt với một số thách thức như: chất lượng nguồn giống thấp; cạnh tranh không gian biển với các ngành kinh tế khác; các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và thông tin về rong biển còn hạn chế; hàm lượng khoa học công nghệ trồng, thu hoạch và chế biến rong còn thấp…

Theo Tổng Cục thủy sản, ngành hàng rong biển có tiềm năng nhưng cần sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, kiến nghị các địa phương cần đánh giá tiềm năng lợi thế, tìm hiểu nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển sản xuất, chế biến rong tảo biển tại địa phương cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển trồng và chế biến rong biển hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định rong biển là đối tượng tiềm năng cần phát triển để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Thực tế, rong biển là nguồn lợi có thể tái tạo. Hầu hết các quốc gia có biển đều quan tâm bảo tồn và phát triển nguồn lợi rong biển. Trồng rong biển có thể qiải quyết sinh kế bền vững, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư ven biển; đồng thời là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải CO2 và giảm áp lực lên hệ sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một trong những giải pháp cơ bản để tăng tốc toàn diện ngành rong biển là ứng dụng khoa học công nghệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các nhiệm vụ lưu giữ nguồn gien và nghiên cứu chọn tạo giống rong biển phục vụ phát triển khoa học công nghệ về giống giai đoạn 2021 - 2025 thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Bộ NN&PTNT giao Tổng cục Thủy sản từ nay đến hết tháng 1/2023 phải trình Bộ chương trình cụ thể về phát triển rong biển. Phải xác định rong biển là đối tượng rất tiềm năng để có giải pháp phát triển tương xứng. Khi đã phát triển hàng hóa thì các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở vật chất nhà máy chế biến, mở rộng đối tượng.  

Đào Vũ (T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Người dân được mùa khai thác rong biển ở Ninh Thuận" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về email infoketnoidautu@gmail.com