Pacific Airlines và "điệp khúc" tái cấu trúc

23/03/2024 08:11

Hơn 30 năm từ khi đi vào hoạt động với 4 năm báo lãi, Pacific Airlines đang bước vào lần tái cấu trúc thứ tư với kỳ vọng mới. Cơn "bĩ cực" trước đây liệu có lặp lại?

Những vòng lặp tái cấu trúc và đổi chủ

Hãng bay giá rẻ đầu tiên của Việt Nam Pacific Airlines (trước đây hoạt động với tên gọi Jetstar Pacific) được thành lập vào năm 1991 và là hãng hàng không không thuộc sở hữu nhà nước đầu tiên được thành lập tại Việt Nam sau khi luật được sửa đổi cho phép đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không trong nước.

Với tổng số vốn 40 tỷ đồng khi thành lập, hãng có 7 cổ đông ban đầu bao gồm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (Vietnam Civil Aviation) và 4 doanh nghiệp thành viên chiếm 86,49% cổ phần. Hai cổ đông còn lại là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist, chiếm 13,06% cổ phần) và Công ty Thương mại Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tradevico, chiếm 0,45% cổ phần).

Chỉ 2 năm sau khi đi vào hoạt động, hãng hàng không này đã có lần đổi chủ đầu tiên. Năm 1993, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tái cấu trúc bộ phận khai thác thành Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Các cổ phần của Cục Hàng không dân dụng được chuyển sang cho Vietnam Airlines, đồng nghĩa Pacific Airlines trở thành công ty con của Vietnam Airlines.

Đến năm 1995, Pacific Airlines trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines và từ năm 1996, là thành viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Group). Các cổ phần của Vietnam Airlines và các doanh nghiệp thành viên chuyển lại thống nhất cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam quản lý. Số cổ đông của Pacific Airlines lúc này chỉ còn 3 cổ đông là Vietnam Airlines Group, Saigon Tourist và Tradevico. Suốt 10 năm tiếp theo, hãng bay này hoạt động theo cơ cấu trên.

Đến năm 2005, do kinh doanh kém hiệu quả, không được như kỳ vọng, Pacific Airlines lại có lần đổi chủ tiếp theo. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển toàn bộ 86,49% cổ phần của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho Bộ Tài chính, thay mặt Nhà nước quản lý và tái cơ cấu hãng bay.

Sau khi thực hiện tái cơ cấu, hãng đã phải cắt bỏ nhiều đường bay kém hiệu quả, từ đó phần nào giảm được các khoản lỗ.

Đến tháng 8/2006, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập trực thuộc Bộ Tài chính, Pacific Airlines lại tiếp tục đổi chủ một lần nữa. Toàn bộ cổ phần của nhà nước tại Pacific Airlines do Bộ Tài chính nắm giữ được chuyển sang cho SCIC điều hành.

Trong giai đoạn 2006-2007, bước ngoặt lớn đến với Pacific Airlines khi Qantas (Australia) và Airsia (Malaysia) chạy đua để trở thành cổ đông chiến lược của hãng, qua đó gia nhập thị trường hàng không nội địa Việt Nam vốn được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển.

Tới tháng 4/2007, cuộc đua kết thúc với phần thắng thuộc về Qantas. Hãng hàng không tới từ Australia đã mạnh tay mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược với tham vọng có một hãng hàng không giá rẻ mang thương hiệu Jetstar của mình tại khu vực Đông Nam Á và xa hơn là châu Á - Thái Bình Dương.

Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Thỏa thuận đã mang về lượng tiền mặt giúp Pacific Airlines tái cơ cấu, cắt lỗ trong giai đoạn trước cũng như được sử dụng toàn bộ nhận diện thương hiệu cùng hệ thống phân phối Jetstar của Qantas. Hãng cũng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines từ đây.

Đến cuối năm 2011, cơ cấu cổ đông của Jetstar Pacific Airlines vẫn bao gồm 3 cổ đông là SCIC với 70% cổ phần, Qantas với 27% và Saigon Tourist nắm 3% cổ phần. Tuy nhiên do Jetstar Pacific Airlines tiếp tục hoạt động không hiệu quả, chỉ chiếm 17% thị phần hàng không nội địa Việt Nam, hãng phải tiếp tục tái cơ cấu cổ đông và rà soát lại toàn bộ hoạt động

Để vực dậy Jetstar Pacific Airlines, Vietnam Airlines với kinh nhiệm kinh doanh hàng không đã tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với 70% cổ phần. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam quyết định thay thế kế hoạch xây dựng hãng hàng không giá rẻ VietAir để đưa Jetstar Pacific Airlines thành hãng bay phụ trách dải sản phẩm giá rẻ.

Trong “vòng tay” của Vietnam Airlines

Tuy nhiên, Pacific Airlines trong “vòng tay” của Vietnam Airlines cũng không mấy khởi sắc. Trong suốt giai đoạn 2012 - 2019, Pacific Airlines chỉ báo lãi trong 4 năm (2014, 2015, 2018 và 2019), lợi nhuận cao nhất khoảng 112 tỷ đồng (năm 2015). Trong khi đó, những năm báo lỗ, con số lên tới vài trăm tỷ đồng (lỗ sau thuế 403 tỷ đồng năm 2012, lỗ 273 tỷ đồng năm 2013, lỗ 907 tỷ đồng năm 2016, lỗ hơn 346 tỷ đồng vào năm 2017).

Điều này dẫn đến vốn chủ sở hữu Pacific Airlines âm nặng trong những năm này. Dữ liệu thanh tra cho thấy, năm 2017 vốn chủ Pacific Airlines âm 214 tỷ đồng, âm 180 tỷ đồng năm 2018 và âm 131 tỷ đồng năm 2019.

Pacific Airlines nhận thêm “cú knock-out” khi từ đầu năm 2020, sự bùng nổ của dịch Covid-19 đã khiến kết quả kinh doanh của Jetstar Pacific quay đầu khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2020, hãng ghi nhận mức lỗ 1.200 tỷ đồng. Mức lỗ này cũng với việc Qantas bị ảnh hưởng trực tiếp tại thị trường Australia do dịch bệnh khiến đối tác này phải cân đối lại các khoản đầu tư của mình.

Tới ngày 15/6/2020, Vietnam Airlines phát thông báo về việc Qantas sẽ rút vốn khỏi Pacific Airlines. Với việc Qantas rút lui, Vietnam Airlines sẽ sở hữu 98% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ.

Chia sẻ với báo chí ở thời điểm đó, ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, Chủ tịch HĐQT Pacific Airlines cho biết cả hai cổ đông lớn là Vietnam Airlines và Qantas đều nhận thấy việc tái cơ cấu cổ đông của hãng là thích hợp. Qantas sẵn sàng rút vốn để Vietnam Airlines có cơ hội tái cơ cấu Pacific Airlines theo mong muốn.

Theo ông Quang, điều khiến cho hai bên quyết định “chia tay” là do “Qantas là một doanh nghiệp tư nhân còn Vietnam Airlines lại là một doanh nghiệp Nhà nước nên quan điểm làm việc hai bên có sự khác biệt, dẫn đến chưa tạo được bước đột phá cho Jetstar Pacific”. Bên cạnh đó, do cơ chế điều hành của Jetstar Pacific phụ thuộc quá nhiều vào Qantas do hệ thống đặt vé đang đặt ở Úc, dẫn đến hãng không hiểu được nhịp thở của thị trường nội địa.

Hồ sơ doanh nghiệp - Pacific Airlines và 'điệp khúc' tái cấu trúc

33 năm qua, Pacific Airlines chỉ có lãi vài lần vào các năm 2014, 2015, 2018 và 2019.

Ở thời điểm Pacific Airlines chia tay thương hiệu Jetstar, lãnh đạo Vietnam Airlines đã cam kết sẽ tiếp tục tái cơ cấu và biến hãng bay này trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi kinh doanh của Vietnam Airlines. Từ 18 máy bay, Pacific Airlines đặt tham vọng sẽ khai thác đội bay 40 chiếc vào năm 2025 nếu tình hình kinh doanh thuận lợi.

Những tình hình kinh doanh “đã không” thuận lợi, tham vọng của cả Vietnam Airlines lẫn Pacific Airlines đều “nước chảy, mây trôi”. Pacific Airlines đã tạm ngừng khai thác tất cả đường bay kể từ ngày 18/3, sau khi trả toàn bộ máy bay đã thuê của đối tác. Và nguyên nhân chính được hãng bay này đưa ra là để tái cơ cấu lại đường bay. Pacific Airlines sẽ tìm kiếm đối tác mới để thuê máy bay, với một kế hoạch “khá cụ thể”: Khi nào thuê được hãng sẽ tiếp tục khai thác các đường bay đã đăng ký.

Và quả thật, việc tái cơ cấu của Pacific Airlines là điều không hề dễ dàng nếu nhìn vào gánh nặng nợ nần có thể lên đến hơn 200 triệu USD với các bên cho thuê tàu. Chưa kể, hãng bay này cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về dòng tiền, khi nợ quá hạn lớn, rủi ro cao mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. Ba năm gần nhất từ 2020 đến nay, năm nào hãng hàng không này cũng thua lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. 

Với 3 năm liền lỗ trên 2.000 tỷ đồng/năm từ sau giai đoạn Covid-19, ước tính hiện lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỷ và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng.

Trong một động thái liên quan, theo báo cáo năm 2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), giá trị nợ xấu của Pacific Airlines tại ACV là 850 tỷ đồng, nhưng tỉ trọng nợ xấu/nợ phải thu lên đến hơn 97%. ACV đang phải dự phòng 760 tỷ đồng cho khoản nợ xấu tại Pacific Airlines.

Là cổ đông lớn của Pacific Airlines nhưng bản thân Vietnam Airlines cũng đang phải chật vật để thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Theo đó, năm 2023, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 5.516 tỷ đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp hàng không này ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ, qua đó, đưa mức lỗ luỹ kế tính đến hết năm tài chính 2023 là khoảng 40.956 tỷ đồng.

Kinh doanh lỗ luỹ kế, khiến vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines âm đến 16.945 tỷ đồng, nợ phải trả lên đến là 74.561 tỷ đồng.

Để giảm bớt “gánh nặng” do liên tiếp thua lỗ, Vietnam Airlines không phải không nghĩ đến tìm cách thoái vốn khỏi Pacific Airlines nhưng bị nghẽn do quy định hiện hành.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2022 Vietnam Airlines đã thông báo rộng rãi về việc tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến quá trình tái cơ cấu cổ đông của hãng bay giá rẻ này. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số 91 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines - doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên - không thể thoái vốn tại các doanh nghiệp đang bị lỗ, lỗ lũy kế, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Để được thoái vốn, hoạt động kinh doanh của Pacific Airlines phải có 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Với những diễn biến hiện tại, để Vietnam Airlines có thể thoái vốn khỏi Pacific Airlines rất khó trở thành hiện thực.

“Cánh cửa” hy vọng là hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Nếu được thông qua, quy định thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đang bị lỗ sẽ được nới rộng - gỡ nút thắt cho Vietnam Airlines và các trường hợp khác.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định sửa đổi mới đang trong quá trình lấy ý kiến, tổng hợp trước khi trình lên Chính phủ để được xem xét thông qua. Và cho đến khi có quy định mới, Vietnam Airlines vẫn sẽ phải “vật lộn” với những khó khăn kéo dài của Pacific Airlines.

Bạn đang đọc bài viết "Pacific Airlines và "điệp khúc" tái cấu trúc" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về email infoketnoidautu@gmail.com