Rà soát doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, có chế tài mạnh nếu chây ỳ nợ thuế

23/02/2024 04:30

Trong quý I/2024, các Cục Thuế tập trung rà soát trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh để áp dụng biện pháp cưỡng chế và xem xét ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Để tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên toàn quốc nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo đó, Tổng Cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế để thu hồi nợ đọng thuế theo Công văn số 270/TCT-QLN ngày 22/01/2024 của Tổng cục Thuế.

Đồng thời các Cục Thuế cần nghiêm túc áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế theo quy định đối với người nộp thuế phải áp dụng biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

Trong quý I/2024, tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh (đặc biệt lưu ý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, nghi ngờ có buôn bán hóa đơn) để áp dụng các biện pháp cưỡng chế và xem xét ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với đại diện pháp luật theo quy định.

Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, phối hợp chuyển hồ sơ các trường hợp cố ý chây ỳ nợ thuế sang cơ quan Công an để có các chế tài mạnh đối với các trường hợp này nhằm nâng cao tính răn đe đến người nợ thuế.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến công tác cưỡng chế nợ thuế do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 30/01/2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã chỉ đạo trong năm 2024, các Cục Thuế kiên quyết thực hiện áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: cơ quan Công an, Ngân hàng Nhà nước, Toà án, Quản lý thị trường, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên và Môi trường... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...

Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý nợ, đồng thời chỉ đạo các bộ phận trong cơ quan thuế (pháp chế, kê khai, thanh tra - kiểm tra, quản lý hộ, quản lý đất…) phối hợp chặt chẽ với bộ phận quản lý nợ để đảm bảo việc thực hiện quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả cao.

Trong năm 2023, ngành Thuế đã thu hồi được 41.557 tỷ đồng nợ thuế. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, năm 2024, ngành Thuế tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ. Cơ quan thuế áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế, không để nợ dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

T.M

Bạn đang đọc bài viết "Rà soát doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, có chế tài mạnh nếu chây ỳ nợ thuế" tại chuyên mục Tài chính - Ngân Hàng. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về email infoketnoidautu@gmail.com