Trật tự mới ngành xây dựng: Tre già măng mọc, doanh nghiệp nào trở thành bá chủ?

18/02/2024 12:03

Trải qua một năm kinh tế khó khăn, trật tự mới trong ngành xây dựng đã được thiết lập, Coteccons vượt mặt Hoà Bình, Riconc vươn lên vị trí dẫn đầu.

Năm 2023 được đánh giá là một năm “kinh tế buồn” đối với nhiều ngành nghề trong cả nước. Không nằm ngoài đà suy giảm đó, các doanh nghiệp xây dựng cũng đã có một năm chật vật.

Nhìn vào bức tranh tài chính ảm đạm của các "ông lớn" trong ngành cho thấy năm vừa qua dù đạt được một số kết quả khởi sắc so với năm 2022 nhưng nhìn chung, mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp này vẫn không đáng kể.

"Dây" phải Tân Hoàng Minh, Coteccons vẫn chễm chệ ngôi vương

Từng tranh giành ngôi vị cao thấp với nhau hàng thập kỷ trên thị trường xây dựng, nay CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) đã phải nhường bước cho CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vươn lên vị trí dẫn đầu.

Khác với năm tài chính của CTCP Xây dựng Ricons và Hoà Bình, tại Đại hội cổ đông thuờng niên năm 2023, Coteccons đã thông qua việc chuyển đổi năm tài chính của công ty tính từ ngày 1/1 đến 31/12 năm dương lịch thành năm tài chính 12 tháng, tính từ ngày 1/7 đến ngày 30/6 năm sau.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024 (tương đương quý IV/2023) của Coteccons, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 5.660 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, doanh nghiệp tiết giảm mạnh được chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do giảm khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Do vậy sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, quý này Coteccons đem về 69 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế năm 2023 (1/1-31/12/2023), Coteccons thu về hơn 16.527 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với năm 2022 và đạt gần 188 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 9 lần so với toàn bộ năm 2022.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Coteccons đạt 21.651 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm tài chính. Đặc biệt, chỉ sau 6 tháng cuối năm 2023, tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp này đã tăng 13,4%, đạt 4.610 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng tài sản.

Dù vậy vào cuối năm 2023, doanh nghiệp này vẫn đang có tới 1.700 tỷ đồng nợ xấu, chiếm phần lớn là nợ xấu tại các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh khiến công ty phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng.

Nợ phải trả của Coteccons ghi nhận đạt 13.244 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 12.745 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay tài chính chiếm 1.078 tỷ đồng, chiếm 8% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp.

Ricons báo lãi chạm đáy 9 năm

Đứng thứ hai ngay sau Coteccons là đối thủ và cũng từng là anh em một nhà - Ricons, trong năm 2023 vừa qua hai doanh nghiệp này đã có màn đấu tố nhau về nợ nần tài chính.

Quý IV/2023, Ricons ghi nhận doanh thu đạt 2.270 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy do giá vốn được tiết giảm, công ty xây dựng của tý phú Nguyễn Bá Dương vẫn thu về tới 97 tỷ đồng lãi gộp, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên trong kỳ này, Ricons lại phát sinh khoản trích lập dự phòng hơn 200 tỷ khó đòi với Coteccons, cộng với việc kinh doanh trong các công ty liên kết ghi nhận thua lỗ đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị thuyên giảm. Theo đó quý IV/2023, Ricons chỉ có mức lãi vỏn vẹn gần 6 tỷ đồng, giảm sâu 44% so với cùng kỳ.

Kết thúc năm 2023, Ricons ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 7.574 tỷ đồng, giảm 33% và lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức đáy trong vòng 9 năm trở lại đây.

Dù kết quả kinh doanh gần như chạm đáy, nhưng so với hai “anh lớn” Hoà Bình, Ricons lại có lợi nhuận vượt bậc, cách biệt lớn về lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch đề ra cho năm 2023, công ty này cũng đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và 58% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Tổng tài sản của Ricons tại cuối quý IV/2023 đạt hơn 7.866 tỷ đồng, thuộc hàng “bé hạt tiêu” nhất trong 3 doanh nghiệp xây dựng, nhưng điểm sáng là công ty ghi nhận vay nợ tài chính chỉ có hơn 609 tỷ đồng vay ngân hàng, nằm tại khoản mục vay ngắn hạn.

Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tại cuối năm 2023 lại lên tới 689 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng, trái phiếu lấy lãi.

Ngoài ra, tại báo cáo tài chính của Ricons cũng chỉ rõ, công ty đang có khoản phải thu ngắn hạn 322 tỷ đồng từ Coteccons, Ricons đã phải trích lập dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 200 tỷ đồng nên ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.

Trong năm 2023, Ricons đã đâm đơn kiện Coteccons ra tòa và yêu cầu đối phương mở thủ tục phá sản vì khoản nợ này. Dù vậy kết thúc năm 2023, mỗi doanh nghiệp đều nhận về tin vui riêng cho mình khi Coteccons được tuyên án không phải mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của Ricons. Còn ở phía Riconss lại trúng thầu siêu dự án sân bay Long Thành - dự án được cho là sẽ đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay

Hoà Bình lặn ngụp trong thua lỗ kéo dài

Khác với hai doanh nghiệp cùng ngành dù doanh thu có phần giảm sút nhưng vẫn ghi nhận có lãi trong năm 2023, Xây dựng Hoà Bình lại ngậm ngùi báo lỗ năm thứ hai liên tiếp. Việc tranh giành danh xưng bá vương ngành xây dựng vốn là cuộc đua song mã giữa Coteccons và Hòa Bình, đến nay tình hình kinh doanh của "anh lớn" một thời lại kéo doanh nghiệp lùi lại xếp sau những cái tên khác.

Sau khi mâu thuẫn nội bộ đi đến hồi kết, Xây dựng Hoà Bình yên vị thuộc về người sáng lập - Chủ tịch Lê Viết Hải, ngỡ tưởng doanh nghiệp xây dựng này sẽ quay trở lại thời hoàng kim nhưng có vẻ may mắn vẫn chưa thể mỉm cười với Hoà Bình.

Quý IV/2023, doanh thu nhiều hơn giá vốn, cùng với việc hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 310 tỷ đồng, Hoà Bình đã được hoàn nhập 223 tỷ đồng chi phí quản lý giúp công ty báo lãi 101 tỷ đồng, vượt xa so với số lỗ hơn 1.200 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Kết qủa kinh doanh quý IV/2023 khởi sắc là vậy, nhưng cũng không đủ để bù lỗ cho quý I và và quý III của doanh nghiệp. Theo đó, kết thúc năm 2023, Hoà Bình phải ngậm ngùi báo lỗ hơn 782 tỷ đồng cùng doanh thu thuần giảm phân nửa xuống hơn 7.546 tỷ đồng, kết quả trên cách xa so với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp đặt ra hồi đầu năm.

Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của Hoà Bình ở mức hơn 13.054 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt của doanh nghiệp giảm 25% so với đầu kỳ về còn 404 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản phải thu của doanh nghiệp hiện đang chiếm tới 67% tổng tài sản của doanh nghiệp, khiến nợ khó đòi tăng cao, Hoà Bình đang phải trích lập ra hơn 2.162 tỷ đồng nợ khó đòi cho khoản mục này.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Hòa Bình đang chiếm tới 12.601 tỷ đồng, tương ứng 96% tổng tài sản và cao gấp 27 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ tài chính ở mức 4.718 tỷ đồng bao gồm dư nợ trái phiếu khoảng 684 tỷ đồng, ngoài ra còn một số khoản vay ngân hàng và tổ chức khác.

Từng tự hào vì có chu kỳ phát triển với tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 năm tăng 5 lần trong vòng 30 năm, hai năm trở lại đây Hoà Bình đang giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng và thụt lùi so với những người anh em cùng ngành.

Chia sẻ tại lễ tổng kết năm 2023, Chủ tịch Hoà Bình Lê Viết Hải đã đặt mục tiêu sẽ khôi phục lạị vị thế cho doanh nghiệp trong năm 2024 tới đây.

Bạn đang đọc bài viết "Trật tự mới ngành xây dựng: Tre già măng mọc, doanh nghiệp nào trở thành bá chủ?" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về email infoketnoidautu@gmail.com